Ngày đăng: 20/02/2016

Con đâu phải là “cái thớt” cho mẹ “chém”

Khoảng một tuần nay, ngày nào tôi cũng trở về nhà trong cảm giác bực bội, cay cú, ấm ức vì bị sếp hiểu lầm. Đến công ty, trước một núi các công việc khó khăn cần làm, tôi còn phải chịu đựng một người quản lý vô cùng khó chịu, chả giống ai trên đời. Mỗi ngày bị ông ấy hạch sách, điều tra, quy chụp, trừ lương, tôi đều trở về nhà với những bước chân trĩu nặng. Giận cá chém thớt, tôi lầm lì và cáu kỉnh với con mình. Tôi đẩy cháu ra những khi con nũng nịu. Tôi thở dài thườn thượt bên mâm cơm và ngẩn ngơ suy nghĩ đâu đâu.

Cô bạn thân đến chơi, đưa cho tôi quyển sách nhung cau noi hay về cuộc sống. Tôi đã nghĩ mình chẳng còn tâm trí nào để đọc thứ gì. Nhưng có một đoạn mà bạn tôi đánh dấu, cần tôi đọc ngay, đó là đoạn viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Bạn phải rèn luyện mình cách bước đi như một người tự do, ngồi như một người tự do và ăn như một người tự do…”.  Những câu chữ ấy đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, nhất là về chuyện của tôi và con!

Một người mẹ tự do, nghĩa là không ràng buộc, nghĩa là không lo sợ. Tôi phải học cách tự do, bình lặng khi đối diện với mọi điều xáo trộn chứ không phải là gồng lên để co kéo làm sao cho đời đừng xáo trộn. Có nghĩa là sự thực tập hạnh phúc nằm trong tầm tay chứ không có nghĩa tôi phải là nhất định nộp đơn sang công ty khác để thay đổi về công việc, thu nhập hay môi trường. Tôi chỉ cần thay đổi chính mình thay vì cứ nhất nhất cho rằng, cuộc sống bề bộn vất vả này khiến tôi cáu kỉnh hay vội vã.

> Xem thêm: Đọc thêm nhiều tam su tham kin.

Cô con gái 4 tuổi của tôi, trong những ngày mẹ đang stress, cháu cũng nem nép lo lắng và sợ hãi. Cháu chơi đồ hàng mà không dám nói to, cháu ăn cơm mà không dám nhai chậm rãi, không dám hỏi mẹ về các món ăn, không dám hỏi đến cách mà mẹ đã tạo ra các món ăn như mọi ngày. Đêm khuya, khi cháu ngủ say rồi, tôi cũng mệt nhoài vì đủ các mối lo hỗn độn rồi, tôi mới ngả lưng vào nằm cạnh con, mà vẫn thấy con thi thoảng lại giật mình thon thót. Hình như nỗi mệt mỏi từ tâm trí tôi cũng len lỏi vào từng ý nghĩ của con tôi rồi. Hình như con bé sợ tôi nhiều hơn mức mà tôi có thể hình dung…

Ngày hôm sau, tôi quyết định làm một người phu nu, một người mẹ tự do. Tôi dậy từ rất sớm, làm cho con món bánh mì áp chảo mà con ưa thích. Nói với con bằng giọng nói bình an nhất mà tôi có thể, khiến con tôi vui lắm. Nó vừa ngủ dậy đã ngửi thấy mùi bánh mì rất thơm và nụ cười của mẹ, nó đã cười khúc khích. Mới 4 tuổi thôi, con tôi và những đứa trẻ như nó hầu như không có tri thức gì về thế giới này. Chúng chỉ có thứ bản năng và linh cảm nhạy bén hơn nghìn lần người lớn chúng ta. Chúng cảm nhận rõ từng cung bậc trong cảm xúc của những người xung quanh. Bởi vậy, nhiều khi ta tự cho ta cái quyền được trút giận lên cuộc sống gia đình mà không biết là đã vô tình khiến trái tim bé bỏng của con mình thắt lại vì đau đớn…

Trong cái buổi sáng dậy sớm và làm cho con món bánh mì áp chảo ấy, tôi đã tìm lại được tiếng cười vô lo vô nghĩ của con. Khi con bé áp đôi má phúng phính của nó vào má tôi để tạm biệt trước khi vào lớp, nó bảo với tôi rằng “Em yêu mẹ lắm! Mẹ đi làm nhé, rồi chiều về mẹ lại cười với em”… 

Thế đấy, con không cần tôi hứa hẹn sẽ mua đồ chơi, mua quà bánh. Con không cần tôi hứa hẹn một thứ vật chất nào. Miễn sao tôi đừng để khuôn mặt mình nặng nề, u ám như những ngày vừa qua. Câu nói ấy của con khiến tôi trào nước mắt. Nhìn đứa con cứng cỏi, độc lập của mình tự xách balo vào lớp chứ không cần bố mẹ dắt tay vào tận nơi như những đứa trẻ khác, tôi hít một hơi thở dài, cảm ơn chính mình đã “tỉnh” ra đúng lúc. Tôi chả việc gì phải mất công để cho những câu nói cay độc của sếp len vào đầu. Thế thì sao tôi lại không thể mỉm cười. “Hoa trong lòng ta thì ai hái được?”. Tôi không nhớ mình nghe câu nói đó ở đâu. Chỉ cần tôi bình thản, chỉ cần tôi an nhiên, chỉ cần tôi can đảm nở nụ cười, thì những lời lẽ cay độc ấy, thói cư xử bới móc ấy làm sao có thể khiến tôi đau lòng… Hoặc, tôi sẽ có những sự lựa chọn khác tốt hơn cho chính bản thân mình.